Cuộc đời Đỗ Bá Lý

Đỗ Bá Lý quê gốc ở Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh; là con út trong một gia đình khá giả, có ba anh trai; cha, mẹ ông đều là những người đam mê nghệ thuật, chính vì vậy mà ông đã được tiếp cận, làm quen với các loại nhạc cụ, nhất là các nhạc cụ phương Tây, từ rất sớm, khi ông mới hơn 10 tuổi[1].

Cha của ông mất sớm, trong một trận đánh bom của Pháp, ba anh trai của ông đều cùng thiệt mạng, khi đó, ông theo mẹ về quê thăm ông bà ngoại nên thoát nạn. Cuộc sống chỉ còn có hai mẹ con. Thực hiện tâm nguyện của chồng, mẹ ông đã quyết tâm cho ông theo học đàn và các loại nhạc cụ. Khi đó, thầy dạy ông chơi ViolinChây Sa Khôn, người Campuchia.

Năm 16 tuổi, khi người thầy dạy violin về nước, phát hiện được khả năng chơi đàn, ông trưởng đoàn Nghệ thuật kịch nói tỉnh Hải Dương đã nhận ông vào Đoàn. Từ đó, ông thuộc biên chế của Nhà nước, tham gia biểu diễn phục vụ nhân dân và bộ đội ở các tỉnh, thành khu vực phía Bắc.

Ông lập gia đình từ sớm và sinh hạ được hai con trai và một con gái. Cuộc sống mưu sinh của gia đình làm nghệ thuật vất vả, các con của ông lần lượt bỏ bố mẹ ra đi. Người vợ của ông không vượt qua được nỗi đau mất con nên đã sinh bệnh và qua đời. Kể từ đây, ông trắng tay, không nhà cửa, không gia đình, trở thành người nghệ sĩ lang thang kiếm sống.

Đến năm 1989, một người phụ nữ góa chồng, làm nghề bán rau kiếm sống ở chợ Cột Đèn, thuộc quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng, kém ông gần 20 tuổi, cảm thương tiếng đàn, lại thương người nghệ sỹ lang thang không nhà cửa mà đến với ông.

Khi lấy nhau, hai vợ chồng thuê ngôi nhà cấp 4 kế bên chợ Sắt để ở và bán quà sáng kiếm sống. Năm 2002, ông lâm bệnh, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn mất hàng tháng trời. Do hoàn cảnh khó khăn, ông phải xin xuất viện sớm để về phụ giúp vợ bán hàng ăn sáng. Năm 2013, vợ ông bị tai nạn gãy chân, phải phẫu thuật và điều trị trong thời gian dài. Việc buôn bán bị ảnh hưởng, không có tiền trả cho chủ nhà trọ nên vợ chồng ông bị đuổi ra khỏi nhà.

Vì cuộc sống mưu sinh, hàng ngày ông mang cây đàn Violin, do một người bạn cùng Đoàn kịch nói năm xưa tặng, ra các khu phố ở hồ Tam Bạc, chợ Sắt, siêu thị BigC… chơi những bản nhạc cổ điển, dân ca, những giai điệu về quê hương, đạo hiếu làm người.

Tháng 4 năm 2014, Câu lạc bộ thanh thiếu niên quận Ngô Quyền mở lớp học chơi đàn violin tại Trường Phổ thông nhiều cấp Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, đã mời ông trực tiếp giảng dạy. Ông nhận lời, ban ngày ông là một nghệ sĩ già chơi đàn trên đường phố, tối đến ông dạy cho lớp trẻ và trở thành một người thầy đặc biệt trong lịch sử của ngôi trường này[2][3].

Ông qua đời vào ngày 28 tháng 7 năm 2017 trên đường Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng vì tai nạn giao thông, khi đó ông 82 tuổi[4][5][6].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đỗ Bá Lý http://anhp.vn/nho-mai-nhung-giai-dieu-cua-tinh-ye... http://cand.com.vn/Giao-thong/Va-cham-container-ng... http://tinhnguyenniemtin.vn/a/tiep-nhan-ky-vat-cua... https://www.baogiaothong.vn/xuc-dong-dan-violin-ti... https://dantri.com.vn/van-hoa/thien-truyen-ve-nguo... https://dantri.com.vn/xa-hoi/mo-lop-nhac-cho-nguoi... https://dantri.com.vn/xa-hoi/nghe-si-violin-duong-... https://thanhphohaiphong.gov.vn/tieng-vi-cam-tren-... https://phapluatxahoi.vn https://phapluatxahoi.vn/cuoc-doi-nhu-cuon-tieu-th...